
Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới (NTM) đòi hỏi huy động nhiều nguồn lực cả ở tầm quốc gia hay ở một xã cụ thể. Việc xác định nguồn lực của cả nước và của một địa phương cụ thể cho chương trình là rất cần thiết để huy động được hợp lý, sử dụng có hiệu quả cao nhất cho việc xây dựng NTM.
Ngày nay việc xây dựng NTM được xem là một quá trình phát triển toàn diện và bền vững, vì vậy nguồn lực dành cho công việc này của một đơn vị cũng sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp (comprehensive power) của đơn vị đó.
Việc nghiên cứu sức mạnh tổng hợp của một quốc gia (Comprehensive National Power - CNP) đã được thực hiện từ lâu, chúng ta có thể nghiên cứu phương pháp này để vận dụng trong chương trình NTM.
Ở tầm vĩ mô, sức mạnh tổng hợp quốc gia là một khái niệm trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, dùng để chỉ toàn bộ thực lực đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của một quốc gia. Sức mạnh tổng hợp quốc gia bao gồm các nhân tố vật chất (phần cứng); tinh thần (phần mềm); ảnh hưởng trong quan hệ quốc tế.
Phần cứng (phần hữu hình) còn gọi là sức mạnh cứng chủ yếu gồm:
- Lãnh thổ (vị trí địa lý của quốc gia, tính quan trọng về giao thông, quân sự quốc tế; diện tích; địa hình, địa mạo);
- Tài nguyên thiên nhiên (đất đai, rừng, biển, nguồn nước, khoáng sản ...);
- Dân số (số lượng và chất lượng dân, cấu trúc dân cư như giới tính, độ tuổi bình quân, dân tộc, tôn giáo ...);
- Kinh tế, chủ yếu là GDP và cơ cấu kinh tế (tỷ lệ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp nặng, công nghiệp quân sự ...);
- Cơ sở hạ tầng như giao thông vận tải, thông tin liên lạc, xây dựng đô thị;
- Khoa học kỹ thuật;
- Giáo dục v.v...
Phần mềm (phần vô hình) còn gọi là sức mạnh mềm bao gồm:
- Chính quyền (có đại diện đa số dân, có hợp lòng dân, có thực hiện dân chủ, tự do, pháp trị, có tham nhũng ... hay không);
- Quan hệ đối ngoại với đa số các nước khác, cống hiến quốc tế;
- Văn hoá v.v...
Sức mạnh mềm, tức khả năng một quốc gia đạt được các mục tiêu của mình thông qua sự hấp dẫn một cách tự nhiên (thay vì ép buộc hoặc dụ dỗ) đối với các quốc gia hoặc dân tộc khác. Nói cụ thể, đó là sức hấp dẫn về văn hoá, chính trị, nghệ thuật, giá trị quan, sức cảm hoá và hấp dẫn của chế độ xã hội ...Thí dụ bạn thích đọc tiểu thuyết nước nào, thích xem phim nước nào, thích hát hoặc nghe bài hát nước nào, thích nghe hoặc chơi nhạc nước nào, hoặc bạn thích đọc báo, lấy thông tin từ nước nào, bạn tin vào quan điểm của báo chí nước nào trước một vấn đề thời sự phức tạp ... có nghĩa là nước ấy có sức thu hút bạn.
Khái niệm sức mạnh mềm do giáo sư Joseph Nye (ĐH Harvard) đề xuất và phát triển từ đầu thập niên 90, tới nay đã nhận được sự tán đồng rộng rãi của nhiều học giả, nhiều nước. Chính quyền các nước đều hết sức coi trọng xây dựng, khai thác, phát huy, tận dụng sức mạnh mềm của nước mình nhằm tăng năng lực cạnh tranh về mọi mặt của quốc gia.
Phương trình sức mạnh quốc gia: Có nhiều cách tính sức mạnh quốc gia. Đáng chú ý hơn cả có phương trình sức mạnh quốc gia của Ray Cline (Ray Cline’s national power equation) đưa ra năm 1975, có mô tả toán học là tích số của sức mạnh vật chất với sức mạnh tinh thần:
P = (C+E+M) × (S+W)
Trong đó:
-P là sức mạnh quốc gia hiện có (chứ không phải tiềm lực);
-C (Critical Mass) là khối lượng tới hạn (thực thể cơ bản);
-E (Economic Capability) là sức mạnh kinh tế;
-M (Military Capability) là sức mạnh quân sự;
-S (Strategic Purpose) là mục tiêu chiến lược, tức sức mạnh tinh thần;
-W (Will to Pursue National Strategy) là ý chí theo đuổi chiến lược quốc gia.
Mỗi tham số sẽ được tính điểm và giá trị cao nhất của Pp mà một quốc gia có thể đạt được là 1000 thì:
Pp/1000 = (C/100 + E/200 + M/200) × (S+W)
Trong đó C có điểm tối đa là 100 (dân số : 50; lãnh thổ : 50), E: 200 (GDP: 100; cơ cấu KT: 100), M: 200
Cline cho rằng các yếu tố quan trọng nhất của sức mạnh quốc gia là lãnh thổ, số dân, sức mạnh kinh tế và sức mạnh khoa học kỹ thuật.
Phương pháp của Nhật Bản
Phương pháp này cũng tương tự phương pháp của Cline nhưng có khác một vài tham số:
Pp = (C+E+M)(G+D)
Trong đó:
C: thực thể cơ bản ngoài dân số và lãnh thổ, tính thêm tài nguyên thiên nhiên.
E: thực lực kinh tế ngoài GDP và cơ cấu kinh tế, tính thêm GDP bình quân đầu người và mức tăng trưởng kinh tế.
M: thực lực quân sự giống như phương pháp của Cline.
G: năng lực chính trị đối nội.
D: năng lực chính trị đối ngoại.
Như vậy, các yếu tố phần cứng được bổ sung so với Cline còn hệ số phần mềm là ý đồ chiến lược cùng với sự ủng hộ của dân chúng được thay thế bằng năng lực chính trị đối nội và đối ngoại.
Trong các yếu tố trên, đáng chú ý là yếu tố con người, bao gồm nhân dân và bộ máy tổ chức chính quyền hay hệ thống chính trị ở cơ sở.
Về dân số:
- Số lượng nhân khẩu: là nhân tố sản xuất cũng như cấu thành tầm quan trọng của một quốc gia. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dân số phải đạt đến một mức nhất định mới có thể đảm bảo cho sự phát triển an toàn, bền vững của quốc gia.
- Chất lượng và cấu trúc dân số: chất lượng dân số là nhân tố đảm bảo cho số lượng nhân khẩu phát huy tác dụng. Chất lượng dân số là tố chất công dân, trình độ giáo dục, tình trạng sức khỏe, nền tảng đạo đức, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, quân sự... và tinh thần dân tộc. Cấu trúc dân số là các khía cạnh về giới tính, độ tuổi, thành phần dân tộc, tôn giáo. Cấu trúc dân số hợp lý, thuần nhất sẽ tạo thuận lợi cho quốc gia phát huy sức mạnh tổng hợp. Cấu trúc dân số nước ta hiện nay nằm vào cấu trúc “vàng” do lực lượng lao động trẻ khỏe chiếm đa số, tuy nhiên còn chưa cao về mặt chất lượng .
Chất lượng của chính quyền
- Bản chất chính trị của chính quyền: chính quyền đại diện cho giai cấp, tầng lớp nào trong xã hội, có đại diện cho đông đảo người dân của quốc gia hay không. Bản chất chính trị của chính quyền cũng được xem xét trên hai mặt đối nội và đối ngoại, một chính quyền có hợp lòng dân, hợp với các giá trị, xu thế của thế giới hay không.
- Trình độ luật hóa, dân chủ hóa: yếu tố này thể hiện ở mức độ hoàn thiện của hệ thống luật pháp trên các mặt lập pháp, hành pháp và tư pháp, mức độ công khai, dân chủ và quyền lợi chính trị của người dân trong các cuộc bầu cử.
- Cơ cấu và hiệu quả điều hành của chính quyền ở việc sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền, vận hành, hoạt động của chính quyền. Bộ máy chính quyền quan liêu, cồng kềnh hay gọn nhẹ, nhạy bén, có hiệu quả quyết định hiệu lực quản lý của chính quyền.
Tất nhiên thực lực kinh tế được coi là yếu tố cấu thành cơ bản của sức mạnh tổng hợp quốc gia. Ảnh hưởng của kinh tế đến sức mạnh tổng hợp quốc gia được xem xét trên hai yếu tố chính là quy mô kinh tế (GDP) và cơ cấu kinh tế (ngành và thành phần). Cơ cấu thành phần kinh tế cũng phản ánh thực lực con người với năng lực về học vấn, công nghệ, quản lý, sự phân phối thu nhập, tài sản và lợi ích kinh tế.
Gần đây, Hoàng Thạc Phong và Đinh Phong Tuấn (Trung Quốc) đưa ra công thức:
Sức mạnh tổng hợp quốc gia = KHαSβ,
Trong đó:
K: hệ thống phối hợp quốc gia.
H: các yếu tố phần cứng.
α: hệ số phần cứng.
S: các yếu tố phần mềm.
β: hệ số phần mềm.
Các nhân tố phần cứng, phần mềm tính toán tương tự các phương pháp khác, hệ số α, β phụ thuộc hai yếu tố cơ bản: quốc gia thuộc loại phát triển hay đang phát triển và quốc gia có chiến tranh, mất ổn định hay hòa bình, ổn định.
Ở một địa phương cụ thể trong một quốc gia, vấn đề ngoại giao và quốc phòng (tầm vĩ mô) không thuộc chức năng, nhiệm vụ chính mặc dù địa phương cũng có góp phần vào. Còn các yếu tố khác thuộc phần cứng và phần mềm đều cần được chú ý phát huy. Trong đó đáng chú ý là yếu tố con người, bao gồm nhân dân và bộ máy tổ chức chính quyền hay hệ thống chính trị ở cơ sở, đó là chủ thể trong xây dựng NTM, và mối quan hệ với các thành phần liên quan khác.
VẬN DỤNG ĐỂ PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG XÃ ĐIỂM TÂN LẬP, HUYỆN ĐỒNG PHÚ, TỈNH BÌNH PHƯỚC
Xã Tân Lập thuộc huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Xã có 2.213 hộ, 9.548 nhân khẩu, 5.302 lao động trong độ tuổi, trong đó 90% tham gia các ngành nghề thực tế, lao động nông nghiệp chiếm 55%. Trong xã có 72 hộ dân tộc Khmer tại chỗ, với 302 nhân khẩu. Diện tích toàn xã gồm 7.316,91 ha đất tự nhiên, phần lớn đang được sử dụng cho nông nghiệp, chỉ còn 71,6 ha rừng trồng cây giá tỵ. Kinh tế chính của nhân dân trong xã là nông nghiệp với 1.240 ha điều, 3.316 ha cao su, còn lại trồng cà phê, rau quả, một số người làm công nhân cho nông trường cao su Tân Lập, mua bán nhỏ ở chợ xã. Tổng giá trị sản xuất năm 2008 đạt 114 tỷ đồng, tốc đố tăng trưởng hàng năm trung bình 10%. Trong đó thu từ nông nghệp chiếm 65%, CN-TTCN-xây dựng chiếm 15%, thương mại – dich vụ 20%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 ước tính 9,5 triệu đồng.
Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm xây dựng mô hình xã NTM, bộ mặt của xã Tân Lập đã thay đổi đáng kể:
1)Kết quả bước đầu đã đạt được:
Ban quản lý dự án và các cấp chính quyền, đoàn thể trong xã đã nỗ lực thực hiện khá nhanh, đúng phương châm và nhận được sự ủng hộ cao của nhân dân. Bộ mặt của xã đang đổi thay từng ngày như trục đường giao thông xã, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, cải tạo hệ thống điện, xây dựng mới trạm y tế, trường học cấp I, II khang trang , từng thôn ấp đã xây được cổng chào. Một số hộ nhân dân thấy đường giao thông được cải thiện đã đầu tư xây thêm hệ thống mương thoát nước, thậm chí có người vừa xây nhà mới, như bà Trần Thị Ngát sắp hoàn thành căn nhà mới trị giá trên 700 triệu đồng, góp phần tạo nên diện mạo mới cho xã . ..
2)Những kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện và vận động quần chúng:
- Công tác vận động được người dân đồng tỉnh ủng hộ cao vì họ đã nhận thấy quyền lợi và vai trò của mình trong chương trình; đại bộ phận nhân dân trong xã đã tham gia bàn bạc, quyết định, đóng góp và giám sát thực hiện dự án chặt chẽ, tổng số tiền đóng góp của nhân dân trong xã để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đến nay là 894 triệu đồng, chưa kể đất đai hiến để mở rộng đường;
- Xã đã bước đầu phát huy được sức mạnh tổng hợp, huy động nhiều nguồn vốn thực hiện dự án. Bên cạnh vốn ngân sách cấp, vốn huy động của nhân dân, xã còn vận động được các doanh nghiệp qua hình thức đấu thầu từ khâu thiết kế đến thi công. Trên thực tế, tổng khối lượng vốn thực hiện đến 20/3/2011 là trên 33 tỷ đồng nhưng mới thanh toán 23,8 tỷ đồng. Như vậy các nhà thầu đã ứng ra gần 10 tỉ đồng. Đây là cách làm mới, phù hợp với nghị định 61 của chính phủ trong khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn.
Tuy nhiên quy hoạch về phát triển kinh tế của xã vẫn còn thuần nông, ngành dịch vụ chưa được chú ý phát triển.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết tỉnh Bình Phước đã có quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, trong đó dự kiến xây dựng một khu liên hợp công nghiệp tập trung lớn trên 10.000 ha nằm về phía đông nam của tỉnh, giáp với sông và tỉnh Đồng Nai. Cả 2 ông Trưởng và phó BQL đều biết và cung cấp thông tin cho tôi về vấn đề này, nhưng cả 2 đều không thấy trước được những tác động của khu liên hợp công nghiệp này đối với tương lai của xã và đều cho rằng quy hoạch của tỉnh là như vậy nhưng không biết khi nào mới làm (chất lượng chính quyền).
Xã Tân Lập có một phần đất hiện trạng là đất lâm nghiệp (nhưng thực tế đã bị dân lấn chiếm) nằm trong khu công nghiệp quy hoạch này. Khu công nghiệp lớn của tỉnh như vậy sẽ có tác động rất lớn đến KT-XH của xã Tân Lập (cũng như các xã lân cận), thế nhưng chưa được tính đến trong Đề án NTM của xã (và quy hoạch xã NTM) là một thiếu xót cần được xử lý sớm.
Chúng tôi đề nghị BQL xã và các nhóm tư vấn cần được tham khảo đầy đủ bản Quy hoạch KT-XH của tỉnh Bình Phước và huyện Đồng Phú để bổ sung và điều chỉnh quy hoạch xã NTM Tân Lập phù hợp với tình hình mới (nguồn lực về thông tin).
Về vị trí địa lý xã có ưu thế gần thị xã Đồng Xoài và thành phố Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, đường ĐT 741 đang được nâng cấp. Trên địa bàn xã có hồ Suối Giai rộng trên 400 hecta có tiềm năng lớn trong phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và phát triển khu dân cư mới chất lượng cao bên cạnh các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện có. Về chất lượng hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cũng cần tiếp tục được quan tâm đầu tư củng cố nâng chất.
Nếu xã tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, kêu gọi đầu tư theo hướng bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế như trên. Chúng tôi hy vọng nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất (tiêu chí 10, 11, 12, 13) sẽ có triển vọng đạt được nhanh hơn.
Hồ suối Giai mới chỉ được khai thác, sử dụng chủ yếu cho nhu cầu vật chất
Bè cá nuôi trong hồ suối Giai
Trong các nguồn lực được huy động, xã đã bước đầu phát huy được tinh thần đoàn kết, truyền thống, … trong dân để đóng góp cho việc xây dựng NTM, tuy nhiên các nguồn sức mạnh tinh thần khác còn có thể được khơi dậy tốt hơn nếu BQL xã triển khai đồng bộ các phong trào văn, thể, mỹ. Những hoạt động này vốn đã có tiềm năng trong nhân dân trong xã, nếu tổ chức thực hiện cũng không đòi hỏi nhiều kinh phí, nhưng lại có tác dụng rất lâu dài trong xây dựng con người và nếp sống văn hóa, văn minh NTM và đó mới là mục tiêu chính của chương trình MTQG về NTM.
Trước mắt, chúng tôi đề xuất có thể tiến hành các cuộc vận động sau:
- Giữ gìn vệ sinh nông thôn gắn với xây dựng khuôn viên mỗi nhà xanh, sạch, đẹp : từ từng nhà, xóm, thôn đế toàn xã có tổ chức 1 tổ chuyên trách hoặc do HTX đảm nhận, có thu phí để trả công cho đội vệ sinh. Về công nghệ, có thể hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác và chế biến thành phân hữu cơ vi sinh, tái chế các loại vật liệu khác để tăng hiệu quả;
- Tập thể dục và rèn luyện thân thể hàng ngày, có các câu lạc bộ theo giới hay sở thích làm nòng cốt. Lâu dài tiến tới có thi đua, tổ chức hội thao hàng năm hay trong những sự kiện, lễ lớn.
- Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đang cùng sinh sống trong xã.
Như vậy, văn hóa sẽ ngày càng trở nên nền tảng tinh thần của nhân dân trong xã; tinh thần tự lực, chủ động sáng tạo trong xây dựng NTM ở xã sẽ được thể hiện và phát huy rất cao và bền bỉ. Nó sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động khác trong chương trình NTM. Sức mạnh mềm sẽ tác động hữu cơ đến việc xây dựng sức mạnh cứng của xã, tạo nên sức mạnh tổng hợp mới, lại thúc đẩy quá trình xây dựng NTM ở một tầm mức cao hơn.
Huỳnh Ngọc Điền - Khoa Phát Triển Nông Thôn
Tài liệu tham khảo chính:
1.Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Sức mạnh tổng hợp quốc gia
2.Đề án xây dựng mô hình nông thôn mới xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước (giai đoạn 2009 – 2011). Tân Lập 10/2009.
3.Báo cáo tháng 3/2011 của Ban Quản lý xây dựng NTM xã Tân Lập, Đồng Phú, Bình Phước.